Giỏ hàng

Nghiên là gì? Có những loại nào?

NGHIÊN 硯 (NGHIỄN)

Nghiên là vật để mài mực còn gọi là Nghiễn Đài (硯台) hoặc Nghiễn. Sách vở cổ còn gọi là Nghiễn Điền (硯田), Mặc Hải 硯海. Nay ở Trung Quốc gọi là Mặc Nghiễn, tai gọi là nghiên mực.

Nghiên có từ thời Tân Thạch Khí, đầu tiên được làm bằng ngọc, bằng đá, sau đó có nghiên gốm, nghiên sành, nghiên sứ, cũng có khi được làm bằn đồng, bằng gỗ… dần về sau này vì nghiên đá dễ mài mực hơn cả nên chỉ sử dụng nghiên đá, các loại khác chỉ dành cho giới sưu tầm. Theo liệt kê trong sách “Văn phòng tứ bảo” của nhà xuất bản Thượng Hải, thì riêng về nghiên đá có tới 34 loại. Ở đây chỉ kể sơ qua về bốn loại được gọi là “Tứ đại danh nghiễn”:

Đoan Nghiễn (瑞硯) 

có từ thời Đường, dùng đá Đoan Khê chế tác. Đoan Khê là một địa danh thuộc tỉnh Quảng Đông, ngoại ô phía Đông thành phố Triệu Khánh vùng núi Phủ Kha. Đá Đoan Khê dùng làm nghiên cực tốt, tính đá mềm êm như còn non, sớ đá nhuyễn luôn thấy như ẩm ướt, hà hơi vào nghiên thì có thể mài mực được, lại thêm đá có nhiều hoa văn đẹp, được người Trung Quốc gọi cho kêu là “Thiên hạ đệ nhất nghiễn” hay “Quần Nghiễn chi thủ” (đứng đầu trong cái đám nghiễn).

 

 

Hấp Nghiễn (歙硯) 

còn gọi là Long Vĩ Thạch Nghiễn (龍尾石硯), có từ thời Đường, được làm từ đá lấy ở núi Long Vĩ thuộc Hấp huyện, tỉnh An Huy. Tính đá cứng, lưu nhuận tinh mật, hoa văn mỹ lệ, từng được Tô Thức ca ngợi là “Sáp bất lự bút, họa bất cự mặc” (khô ráo mà không để lại vết bút, linh hoạt mà không chống chọi với mực).

 

Thao Hà Thạch Nghiễn (洮河石硯) 

có từ đời Tống, dùng đá ở song Thao chế tác. Sông Thao thuộc địa phận huyện Lâm Đàm, tỉnh Cam Túc. Đá song Thao mát như ngọc, xanh như chàm, tính đá êm ái, mềm mại, có hoa văn nhuyễn như tơ, rất thanh nhã, mỹ lệ.

 

 

Hồng Ti Thạch Nghiễn (紅絲石硯)

 

có từ thời Đường, dùng đá ở Ích huyện tỉnh Sơn Đông chế tác. Đá có ba màu đỏ, vàng, tía, Tính đá tinh mật, lấy ta xoa qua thì đá bóng lên như thoa mỡ, hoa văn khúc chiết hình trạng phong phú.

Bốn loại kể trên thuộc loại quý, ở ta ít sử dụng, nghiên được bày bán phần nhiều thuộc loại đá thường, giá vừa phải, cũng làm từ Trung Quốc. Ngoài ra còn loại mặc bồn (chén mài mực làm bằng gốm), miệng có tráng men, trong lòng chén để cốt gốm thô có độ nhám để mài mực, loại này giá bình dân nên thông dụng nhất. Ngày nay người ta thường dùng mực nước nên bồn có thể là chén sứ trắng hoặc đĩa sứ có đáy hơi sâu, dù là mặc nghiễn hay mặc bồn, mỗi lần viết xong phải rửa thật sạch.

Trong bốn vật Bút Nghiên Giấy Mực tuy nghiên không giữ chức năng then chốt nhưng được người xưa xem trọng hơn cả, bởi nó gắn bó cả đời với người sử dụng, có những chiếc nghiên được điêu khắc tính xảo như là tác phẩm nghệ thuật. Các cụ xưa còn bảo chiếc nghiên đán là vật linh để trấn giữ phòng văn, là nơi hội khí tinh anh của trời đất, trong hội họa thủy mặc, Nghiên và Bút thường xuất hiện. Nữ thi hào Lý Thanh Chiếu đời Tống có đề vịnh một bài về chiếc Nghiên, xin tạm dịch để cả bạn đọc thêm:

Phiến thạch u khuê cộng ngữ thùy

Thâu ma chất bút thị nam nhi

Mộng hồi dã lộng sinh hoa quản

Khẳng tiếu khinh yên chỉ tảo mi

Dịch nghĩa:

Nhìn phiến đá giữa phòng văn không biết nói cùng ai

Cường cường khảng khái như trang nam nhi đang nằm đó

Sau cơn mơ đùa cợt cùng quản bút

Một giọt mực nhỉ xíu chợt quét ngang mày.

Dịch thơ:

Phòng kín cùng nghiên biết nói gì

Đẩy đưa bút mực tợ nam nhi

Mộng đùa hoa cợt rung đầu bút

Giật mình khói mực đảo ngang mi.

 

(Trích từ sách "Thư pháp chữ Hán-Lý thuyết và thực hành" của Phạm Hoàng Quân)