Giỏ hàng

Tranh luận về tính chân thực của "Lan Đình Tự"

Nếu phương Tây có "Shakespeare - đề tài bất tận" trong lịch sử văn học, thì phương Đông có "Lan Đình Tự - áng văn bàn hoài không cạn" trong lịch sử thư pháp. Trải qua hơn 1.600 năm từ thời Tấn, các luận thuyết về tác phẩm này chất cao như núi, từ chuyên khảo đến bình luận ngắn đều vô số kể. Hai đợt tranh cãi dữ dội nhất về tính chân ngụy của "Lan Đình Tự" bùng nổ vào cuối đời Thanh và thập niên 1960, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thuyết phục được tất cả.

Được tôn là "Thiên hạ đệ nhất hành thư", "Lan Đình Tự" khiến giới thư pháp vừa ngưỡng mộ cuồng nhiệt, vừa hoài nghi day dứt - tựa như sợ thờ nhầm thần. Trong khi đó, "Thiên hạ đệ nhị hành thư" - "Tế điệt văn cảo" của Nhan Chân Khanh lại không gặp phải rắc rối tương tự.

Từ đời Đường, nhờ Đường Thái Tông Lý Thế Dân đề cao, hầu như không nhà thư pháp nào không lâm tập "Lan Đình Tự". Nó được thần thánh hóa với hào quang tôn nghiêm, nhưng đôi khi khiến người ta tự hỏi: phải chăng mình đang bị danh tiếng áp đảo, trở thành khán giả trong "Bộ quần áo mới của hoàng đế", không dám nói lên suy nghĩ thật? Tạm gác tranh cãi chân giả, có lẽ việc tập trung phân tích các bản lưu truyền hiện tại sẽ giúp ta tiếp cận sự thật gần hơn.

Trong số các bản "Lan Đình Tự" còn sót lại (gồm khắc bản và lâm mộ), nổi tiếng nhất là "Lan Đình bát trụ", nhưng tất cả đều cách xa nguyên tác: ngoài vài dấu vết phong vận thời Tấn, chúng đều mang đậm màu sắc tục hóa của người Đường. Thế mà chính cái vẻ phàm tục ngọt nhạt ấy lại được tôn sùng! Làm sao thấu hiểu tinh túy nguyên bản qua lớp sương mù dày đặc này? Kỳ thực, nếu xét từ góc độ "thượng vận", những thư tịch và mảnh giấy sót lại từ thời Tấn mới thực sự lột tả được vẻ tròn đầy, linh hoạt, yêu kiều và lưu loát đặc trưng. Ngay từ thời Đường, đã có người nhận xét thư pháp Vương Hi Chi mang "khí chất nữ nhi" - có lẽ là lời phản kháng ngầm trước việc các bản "Lan Đình Tự" (vốn là lâm mộ của hậu nhân, ai từng thấy chân tích?) trở thành khuôn vàng thước ngọc.

 

Mọi đánh giá về sau đều dựa trên bản giả hoặc mô phỏng "Lan Đình Tự". Diện mạo thật sự của nguyên tác vẫn là câu đố ngàn năm. Như một bài thơ viết:

千年禊序作书灯,

梨枣翻摹哪足凭!

神采酒肠何处觅?

残阳古道对昭陵。

Phiên âm:

"Thiên niên Hệ tự tác thư đăng,

Lê táo phiên mô na túc bằng!

Thần thái tửu trường hà xứ mịch?

Tàn dương cổ đạo đối Chiêu Lăng."

Tạm dịch:

"Ngàn năm "Hệ tự" viết bên đèn,

Sao đủ tin vào bản chép quen?

Thần thái, men say đâu dễ gặp?

Nắng xế đường xưa ngắm Chiêu Lăng

Có lẽ chỉ khi khai quật lăng Đường Thái Tông, bí ẩn ngàn đời này mới được giải đáp!

Danh mục tin tức

Bài viết nổi bật