Tản mạn về chu sa
Tản mạn về chu sa.
Từ xưa, chu sa đã được ứng dụng trong y học cổ truyền để làm thuốc an thần, sát khuẩn và diệt kí sinh trùng, là thuốc độc bảng B. Ngoài ra chu sa còn được kết hợp với một vài phụ liệu để làm thành mực, màu vẽ ứng dụng trong hội họa, văn thư hay trong các nghi lễ tôn giáo. Chúng ta thường hay nghe đến "châu điểm", "châu phê", "nốt mực son" thì đều là chỉ đến màu đỏ của chu sa vậy.
Chu sa là một sulfua thủy ngân có công thức hóa học là HgS, nhưng lại có nhiều tên khác nhau như: Thần sa, chu sa, đan sa, xích sa, cống sa...
Tên khoa học là: Cinnabaris.
Chu sa không tan trong nước nhưng tan trong acid đậm đặc hay còn gọi là nước cường toan.
Công thức hòa tan của chu sa trong nước cường toan như sau:
3HgS + 2HNO3 + 12HCl = 3H2 [HgCl4] + 3S + 2NO + 4H 2O
Chu sa tồn tại ở 2 dạng là alpha có màu đỏ phổ biến trong tự nhiên và beta có màu đen do có lẫn tinh thể pha lê kẽm (ZnS) loại này thì không phổ biến trong tự nhiên. Khi nung nóng chu sa ở nhiệt độ cao (410 độ C) thì chu sa sẽ chuyển hóa từ dạng alpha sang dạng beta và thăng hoa tỏa ra khí cực độc.
Rất may là dạng chu sa chúng ta đang dùng để đóng triện và mực mài viết chữ là ở trạng thái alpha nên ít gây độc.
Vậy nên trên thị trường chỉ có loại mực chu sa đóng triện và mực chu sa mài dạng thỏi CHỨ KHÔNG CÓ MỰC CHU SA Ở DẠNG LỎNG (do tính chất không hòa tan với nước). Dạng thỏi và dạng mực đóng triện do có vài phụ liệu mà trong đó có thể có Polysorbate (một loại tá dược nhũ hóa). Để tránh tiền mất tật mang thì quý vị lưu ý nhé!