Giỏ hàng

Sự xuất hiện của chữ Tiểu Triện

SỰ XUẤT HIỆN CỦA CHỮ TIỂU TRIỆN

Chữ Tiểu Triện trên bản dập "Phong Sơn khắc thạch"

 

Vào thời kì Chiến Quốc (475-221 TCN), hình thể chữ Hán không thống nhất, chữ dị thể rất nhiều, cùng một chữ mà mỗi nước có cách viết và cách đọc khác nhau. Để thay đổi tình hình dùng chữ hỗn loạn này nên sau khi thống nhất sáu nước, Tần Thủy Hoàng thực hiện chính sách "Xa đồng quỹ, thư đồng văn" (Xe có cùng quy củ, sách có cùng văn tự), bãi bỏ tất cả các văn tự không đồng nhất với nước Tần của thừa tướng Lý Tư và giao cho nhóm Lý Tư thực hiện nhiệm vụ thống nhất văn tự. Sự thống nhất văn tự do Tần Thủy Hoàng chỉ đạo, ban đầu chỉ phục vụ mục đích chính trị, song kết quả lại giúp chữ Hán đi vào hướng chính thống và đó cũng là lần chuẩn hóa và giản lược hóa đầu tiên của chữ Hán.

 

Lý Tư (284-208TCN)

 

 
Để ban hành sách giáo khoa vỡ lòng và nhằm định hình thể chữ Tiểu Triện thì Lý Tư viết "Thương Hiệt thiên", Triệu Cao viết "Viên Lịch thiên", Hồ Mẫu Kính viết "Bác Học thiên". Thực chất chữ Tiểu Triện đã diễn biến từ chữ Đại Triện mà ra, người nước Tần đã dùng chữ Đại Triện hơn 500 năm, do vì chữ Đại Triện phức tạp, nên đã giản hóa dần dần. Về căn bản, nhóm Lý Tư lấy văn tự của nước Tần làm gốc và dựa trên các thể chữ khác nhau của thời Chiến Quốc mà chỉnh lý, tổng hợp lại rồi chính thức cho lưu hành, chứ hoàn toàn không phải do nhóm Lý Tư tạo ra chữ Tiểu Triện.
 
 
Cùng một chữ "mã" nhưng mỗi nơi viết mỗi khác
 
 
  Hiện nay chúng ta biết đến chữ Tiểu Triện chủ yếu là do hai nguồn. Thứ nhất là các di tích thời Tần như các bản khắc thạch, chiếu bản, tỉ ấn. Thứ hai là sách "Thuyết văn giải tự" của Hứa Thận. Về các bản khắc thạch tương truyền là do Lý Tư dùng chữ Tiểu Triện khắc thành. Trong bảy tấm bia đá khắc thời Tần thì hiện chỉ còn "Thái Sơn khắc thạch" và "Lang Nha Đài khắc thạch" là nguyên vẹn, năm tấm bia đá còn lại như "Phong Sơn khắc thạch" đều do đời sau mô phỏng lại. Chữ Tiểu Triện trên bia thời Tần kết cấu vuông vức, dày dặn, nét bút tròn trịa đẹp đẽ, kết cấu đối xứng ngay ngắn, xứng đáng là thể chữ đẹp nhất của Trung Quốc cổ đại.
 
 
Nguyễn Đình Triển.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc - Nguyễn Tôn Nhan. NXB Văn hóa thông tin
- Trung Quốc thư pháp sử - Lưu Hằng. NXB: Giang Tô giáo dục xuất bản xã.
-  Hình ảnh lấy từ diễn đàn nghệ thuật Trung Quốc.
 

Danh mục tin tức

Bài viết nổi bật