Nghệ thuật thư pháp ra đời như thế nào?
10/02/21

Nghệ thuật thư pháp, cụ thể hơn là nghệ thuật thư pháp chữ Hán được hình thành cùng với sự xuất hiện và phát triển của chữ Hán, trải qua một quá trình tương đối lâu dài. Sự hình thành, chuyển biến và hoàn bị chữ Hán chủ yếu diễn ra trước thời Tần- Hán. Trong thời kì này, chữ viết chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong xã hội nên việc giản hóa và thuận tiện là yêu cầu hàng đầu. Trải qua một thời kì lâu dài từ Tần Hán đến Ngụy, Tấn, Nam-Bắc triều, chữ Hán đã thay đổi từ Đại triện đến Tiểu triện rồi sự xuất hiện của Lệ Thư, Hành thư, Khải thư, Thảo thư, giúp cho nghệ thuật thư pháp phát triển nhanh chóng, điều này đã thúc đẩy giới văn nhân bắt đầu nghiên cứu các phương pháp và kỹ thuật viết các thể chữ khác nhau. Ngoài việc hoàn thành chức năng ứng dụng ngôn ngữ trong xã hội, họ còn có ý thức theo đuổi các hiệu quả nghệ thuật của chữ viết và mang lại cho mọi người sự cảm thụ về nét đẹp trong tác phẩm thư pháp, từ đây các khái niệm như "Thần thái vi thượng", "Ý tại bút tiền" cũng xuất hiện theo.

Tác phẩm "Hải nạp bách xuyên" của thư pháp gia đương đại Lí Văn Chí (Trung Quốc)
Dưới triều Trinh Quán nhà Đường, sự phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị tạo điều kiện cho quá trình hoàn bị lý luận và thực tiễn trong thư pháp. Từ triều Đường trở về sau, nghệ thuật thư pháp đã trở nên điêu luyện và phát triển rộng khắp trong xã hội, kế thừa và phát huy mạnh mẽ những giá trị của tiền nhân. Dưới góc độ tổng thể của sự phát triển nghệ thuật thư pháp, nhiều yếu tố chủ quan và khách quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển nghệ thuật thư pháp, trong đó phải kể đến việc cải tiến và sử dụng các công cụ viết chữ như: Bút, mực, giấy, nghiên; ngoài ra còn có tính mỹ học trong bản thân các thể chữ Hán, sự đóng góp của các trí thức, các nhà cầm quyền, sự ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật cổ đại như hội họa, âm nhạc, nội hàm văn học trong tác phẩm thư pháp, nhu cầu phát triển của xã hội đối với văn hóa và khát vọng nghệ thuật, tất cả đã cùng thúc đẩy sự hình thành và phát triển nghệ thuật thư pháp.
Nguyễn Đình Triển.
--------------------
Tài liệu tham khảo:
- Trung Quốc thư pháp sử. Tác giả: Lưu Hằng. NXB: Giang Tô giáo dục xuất bản xã.
- Hình ảnh lấy từ diễn đàn nghệ thuật Trung Quốc