Giỏ hàng

Giới thiệu về nghiên Đoan Khê

Cổ Nghệ xin chia sẻ với các bạn một ít thông tin về loại nghiên được mệnh danh là vua của các loại nghiên và đứng đầu trong "Tứ đại danh nghiễn". Bài viết có tham khảo tài liệu trong tác phẩm "Văn phòng tứ phổ".

I. Giới thiệu chung

Nghiên Đoan Khê được làm từ đá Đoan Khê thuộc vùng Triệu Khánh (ngày xưa gọi là Đoan châu) tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Là một trong tứ đại danh nghiễn cùng với Thao Hà nghiễn (Cam Túc), Hấp nghiễn (An Huy), Trừng nê nghiễn (Sơn Tây). Đoan nghiên xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 1300 năm, vào thời Vũ Đức triều Đường. Đoan nghiên có chất đá mịn, mực mài không bị ứ trệ, đặc biệt là mực để ba ngày vẫn không khô.

Đoan nghiễn- một trong tứ đại danh nghiễn, đã từng được nhà thơ nổi tiếng thời Tống là Trương Cữu Thành khen tặng bằng hai câu thơ như sau:

"Đoan khê cổ nghiễn thiên hạ kì, 

tử hoa dạ bán thổ hồng nghê".

Sở dĩ Đoan nghiễn được người xưa xem trọng là vì nó được làm từ đá núi lửa, thông thường có màu tím hoặc đỏ tím. Nghiên có nhiều loại vân đẹp do sự đa dạng của các loại vật liệu có trong đá, góp phần tạo nên những thiết kế độc đáo và những mắt đá (bao thể) được Trung Quốc thời xưa xem là có giá trị.

💢💢💢Đặc điểm:

Không phải tất cả các lọai đá thô khi khai thác lên đều được làm nghiên, tất cả phải trải qua quá trình sàn lọc, loại bỏ các khối đá xấu, nứt. Chỉ những khối đá tốt mới được chọn để điêu khắc thành nghiên mực

Chất đá bóng mịn, phác mực không bị hư tổn đến lông bút, hoa văn phong phú, màu sắc đa dạng. Độ cứng của đá vừa phải (khoảng 4) dễ dàng chạm khắc các hoa văn trên đá. Do khoảng cách giữa các hạt trong đá nhỏ nên đá không thấm nước vì vậy mực để trong nghiên lâu khô hơn.

💢💢💢Phân loại:

Đoan nghiễn có ba loại: Tử đoan, lục đoan, bạch đoan. Trong tử đoan có chứa nhiều Al, Ka, Fe, silicat. Lục đoan và bạch đoan chứa nhiều Ca,Mg, cacbon… Thời gian hình thành Tử đoan và Lục đoan là khoảng kỷ Devo, còn Bạch đoan là vào kỷ Carbon.

💢💢💢Các mỏ khai thác.

1 Vùng ngoại ô Triệu Khánh dọc hẻm núi Linh Dương ngay hai bờ sông Tây Giang có các mỏ Khanh tử nham, Ma Vu khanh, Triêu thiên nham, Tuyên Đức nham.

2 Bờ bắc sông Tây Giang và phía nam chân núi Linh Sơn. Tại đây có các mỏ Tự tuyến khanh, Nhị cách khanh, Hữu đống nham.

3 Dãy Bắc Lĩnh: tại đây có các mỏ như Tống khanh, Trần khanh, Bàn Cổ khanh, Ngũ khanh, Trúc Cao lĩnh khanh, bắc lĩnh Mai Hoa khanh

4 Đào Khê và Sa Phổ: tại đây có các mỏ Lão khanh, Ma tử khanh, Mai hoa khanh, Tô khanh.

Tử Đoan

Lục Đoan

Bạch Đoan

II. Các đặc điểm trên Đoan nghiên

🐾🐾Thạch nhãn 石眼 (mắt đá)

Thạch nhãn nằm bên trong khối đá, nó có hình dạng như con mắt của động vật và có màu xanh như đậu lạp (đậu hòa lan) được hình thành do quá trình tích tụ các khoáng vật, vì vậy trong giới địa chất gọi thạch nhãn là cấu tạo đậu lạp. Bên trong mắt đá có chứa sắt, bao viền bên ngoài là Hematite(Fe2O3) và Magnetit (Fe3O4). Màu sắc viền ngoài được hình thành do sự tập trung các khoáng sắt bên trong lõi của mắt đá, lâu dần bị khuyếch tán ra bên ngoài, tạo thành hiệu ứng “mắt đá”. Ba thành phần cơ bản để tạo nên một mắt đá hoàn chỉnh bao gồm: Đồng tử (phần trong cùng của mắt đá), phần rìa mắt đá và hình thể mắt đá. Thạch nhãn có độ cứng tương đối lớn, có phần khó khăn trong việc mài mực.

Mắt đá hoàn chỉnh

 

🐾🐾Các sản phẩm khác của đá:

Đoan nghiên sở dĩ được đánh giá cao là vì nó có màu sắc đa dạng, , hoa văn phong phú, biến hóa không lường (thường gọi là “thạch phẩm”). Các thạch phẩm được hình thành do sự tích tụ cục bộ các khoáng sản khác nhau, vì thế cũng có màu sắc khác nhau như trắng, xanh lá, xanh dương, đỏ, vàng, tím …. Do bị tích tụ cục bộ như vậy mà một số chỗ hình thành các vệt, các mảng bám, các khối, hay hoa văn. Dựa vào màu sắc, kích thước và các hình dạng mà các nghệ nhân xưa phân loại “thạch phẩm” bằng các tên gọi khác nhau.

🐾1.Tiêu hiệp bạch (蕉葉白)

Tiêu hiệp bạch còn gọi là tiêu bạch, một trong các loại “đống”. Tiêu bạch có màu trắng, hơi ngả vàng, đôi lúc có màu xanh như lá chuối non, sắc mịn, không có viền ngoài.

Tiêu hiệp bạch

🐾2.Đống (冻)

Đống là một dạng khác của sericite (có nguồn gốc từ đá granit bị phân hủy), là phần mềm mịn và tinh khiết nhất trong khối đá. Tùy vào hình thức và màu sắc mà người ta phân loại ra thành: Tiêu hiệp bạch, ngư não đống, toái đống, mễ tử đống, phù vân đống, thiên thanh đống…

Ngư não đống (鱼脑冻)

Sở dĩ có tên như vậy là vì các đốm kết tinh có dạng như não cá, nó có màu trắng, đôi lúc hơi vàng hoặc xanh nhạt, tốt nhất là màu trắng. Khác với ngư não đống ở triện là nửa trong nửa đục thì ngư não đống ở Đoan thạch chỉ có loại đục, hơi mờ, có hình dạng không đều, thường gặp ở các loại Lão Khanh, ma tử khanh, khanh tử nham.

Ngư não đống

 

🍅Thiên thanh (天青 )

Thiên thanh là một đặc điểm khác của Đoan nghiên. Có người cho rằng “Thiên thanh” là do các đám “Thanh hoa” tụ lại mà thành, thường có màu xanh hơi ngả sang đen, tốt nhất là loại màu xanh lam, loại thượng phẩm thiên thanh, nhưng hơi hiếm.

Thiên thanh

🍅Thanh hoa (青花)

Thanh hoa là các đốm khoáng có màu trắng hoặc xanh nhạt, được hình thành tự nhiên từ hematit và magnetit giống tính chất như thạch nhãn, nhưng không có sự khuyết tán thành viền. Do hình thái và màu sắc đa dạng nên việc gọi tên cũng khác nhau như: vi trần thanh hoa, nga mao nhũng thanh hoa, nghĩ cước thanh hoa, mai côi tử thanh hoa

🍅Băng văn (冰纹)

Băng văn là hoa văn đặc biệt chỉ thấy ở loại “Lão Khanh”. Do nó có hình dạng như những vết nứt trong băng nên mới có tên gọi như vậy.

Băng văn

🍅Kim ngân tuyến (金银线)

Thường gặp ở “Lão Khanh”, gần đây cũng phát hiện thấy ở “Ma Tử Khanh” và “Khanh Tử Nham”. Các vệt màu trắng gọi là ngân tuyến, màu vàng gọi là kim tuyến, có hình dạng ngang dọc không nhất định. Đây cũng là đặc điểm khiến người chơi nghiên dễ nhầm tưởng là "vết nứt".

Kim- ngân tuyến

🍅Hoàng long văn (黄龙纹)

Tục gọi là “Hoàng long” vì nó tạo thành một vệt dài và đậm màu vàng. Lợi dụng các vân hoàng long mà nghệ nhân chế tác nghiên có thể tạo nên hiệu ứng đẹp, có giá trị nghệ thuật.

Hoàng long văn

🍅Phỉ thúy (翡翠)

Là một điểm màu xanh ở phần cuối tảng đá, có khi là một dải màu xanh hay những đốm rải rác không nhất định. Khác với mắt đá, phỉ thúy không có đồng tử, cũng không có vòng màu đen bao phía ngoài.

Phỉ thúy đống

🍅Hỏa nại (火捺 )

Là những đốm màu tím hồng đến màu tím đen, có hình tròn như mắt đá hoặc phân thành dải như hoàng long vân, hoặc có các đốm nhỏ rải rác.

Hỏa nại

🍅Chu sa ban (硃砂斑)

Còn gọi là chu sa đinh, kích thước không quá 1mm, có hình dạng như hạt đậu

🍅Ngũ thải ban (五彩斑)

Duy nhất chỉ gặp ở “Lão khanh” có màu trắng, đôi khi pha màu xanh, vàng, tím…rất cứng, gây khó khan trong chế tác, tuy nhiên các nghệ nhân cũng linh hoạt biến nó thành điểm nhấn trong tác phẩm.

Ngũ thải ban

🍅Trùng chú (虫蛀)

Trùng trú không phải là hoa văn trên đá, mà do trong quá trình cấu tạo đá xuất hiện các “bọt khí”, khi xẻ các tảng đá này ra tạo thành một vùng lõm như “hang ổ” của côn trùng hoặc vết mọt ăn gỗ.

Trùng chú

 

 

Danh mục tin tức

Bài viết nổi bật